NGÀNH BẢO VỆ THỰC VẬT
Mã ngành: 7620112
1. Ngành Bảo vệ thực vật là gì?
Bảo vệ thực vật là ngành học đào tạo kiến thức tổng quát về cây trồng, hệ thống nông nghiệp, kỹ thuật canh tác và đặc biệt là kiến thức chuyên sâu về quản lý dịch hại cây trồng như sâu, bệnh hại, cỏ dại… một cách hiệu quả, bền vững. Qua đó người học có thể tổ chức xây dựng, điều hành mạng lưới bảo vệ thực vật các cấp, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện các thao tác bảo vệ cây trồng trên đồng ruộng, nâng cao sản lượng và giá trị hàng hóa giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích cây trồng. Đồng thời, ngành bảo vệ thực vật hiện nay tập trung vào việc phát triển các biện pháp sinh học tiên tiến, không gây hại cho môi trường và con người, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tồn dư thuốc trong nông sản, ngành bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
2. Mục tiêu đào tạo
Mục tiêu chung
Đào tạo cử nhân Bảo vệ thực vật có kiến thức và kỹ năng về chuyên ngành Bảo vệ thực vật; có thái độ tự tin, nghiêm túc và có đạo đức nghề nghiệp, có sức khỏe, có khả năng hợp tác và quản lý nguồn tư liệu khoa học thuộc chuyên ngành. Sau khi hoàn thành chương trình, người học đạt được: (1) Phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức và có trách nhiệm với xã hội; (2) Kiến thức cơ bản về bảo vệ thực vật, kiến thức chuyên sâu về cơ sở ngành và chuyên ngành; (3) Khả năng tự học, tự nghiên cứu và ứng dụng chuyên ngành Bảo vệ thực vật vào thực tế sản xuất - kinh doanh - dịch vụ.
Mục tiêu cụ thể
Sinh viên vận dụng khối kiến thức giáo dục đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành để giải quyết các vấn đề về quản lý dịch hại, khoa học cây trồng, sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng.
Sinh viên có tác phong chuyên nghiệp, có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiên cứu khoa học, học tập suốt đời, khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa; có năng lực ngoại ngữ phù hợp và ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định.
Sinh viên có sức khỏe, đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội; có năng lực làm việc trong các ngành nghề phù hợp với chuyên môn; học tập sau đại học ngành Bảo vệ thực vật và các ngành có liên quan.
3. Cơ hội nghề nghiệp
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí:
- Giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ kỹ thuật; Chuyên viên quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp làm việc tại các Viện, trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh/huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp,…;
- Kỹ thuật viên phân tích ở các phòng kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng về đất, nước, giống, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản,…;
- Nhân viên phụ trách kinh doanh, kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng,…;
- Tạo lập khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay lĩnh vực cây trồng.
4. Môn học tiêu biểu
Chương trình đào tạo ngành Bảo vệ thực vật cung cấp cho sinh viên đầy đủ kiến thức cơ bản và chuyên môn về khoa học và kỹ thuật cây trồng, đặc biệt là kiến thức về quản lý các nhóm dịch hại để bảo vệ cây trồng và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Một số môn học tiêu biểu của ngành như: Sinh học, Khoa học cây trồng, Khoa học đất, Côn trùng đại cương và Côn trùng chuyên khoa, Bệnh cây đại cương và Bệnh cây chuyên khoa, Cỏ dại, Động vật hại nông nghiệp, Hóa bảo vệ thực vật, Điều tra dự tính và dự báo dịch hại, Kiểm dịch thực vật và dịch hại nông sản sau thu hoạch, Phương pháp giám định côn trùng hại cây trồng, Phương pháp giám định bệnh hại cây trồng, IPM trong bảo vệ thực vật, Nông nghiệp sạch và bền vững, Phòng trừ sinh học côn trùng, Phòng trừ sinh học bệnh cây, Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, chương trình đào tạo với nhiều học phần thực tập thực tế chuyên môn, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng điều tra, chẩn đoán, thu thập, phân tích và xử lý thông tin liên quan đến bảo vệ thực vật. Sinh viên còn được tham quan học tập và thực tập tại nhiều cơ quan nhà nước và công ty doanh nghiệp có bề dày nghiên cứu và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Bảo vệ thực vật. Điều này mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Những tố chất phù hợp với ngành: Yêu thích cây trồng, quan tâm đến sinh thái và bảo vệ môi trường, ham học hỏi.
5. Phương thức xét tuyển
- Phương thức 1: Xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ).
+ Cách tính điểm: Lấy điểm trung bình 02 học kỳ (học kỳ 1 và 2 của lớp 12) theo tổ hợp môn xét tuyển.
+ Ngưỡng đầu vào: Tốt nghiệp THPT và tổng điểm 03 môn theo tổ hợp xét tuyển từ 18,0 điểm trở lên (kể cả điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách).
- Phương thức 2: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Ngưỡng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) căn cứ theo ngưỡng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hàng năm.
- Phương thức 3: Xét kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM năm 2025.
Ngưỡng đầu vào: Tốt nghiệp THPT và có tổng điểm thi Đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM năm 2025 đạt từ 600 điểm trở lên (kể cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng chính sách).
- Phương thức 4: Xét kết quả Kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) năm 2024, 2025.
Ngưỡng đầu vào: Tốt nghiệp THPT và có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển từ 225/450 điểm trở lên (kể cả điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng chính sách) và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển dưới 15,0 điểm.
6. Các tổ hợp xét tuyển
- Phương thức 1 và Phương thức 2: Xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) và Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm 06 tổ hợp:
+ B00 (Toán, Hóa, Sinh)
+ B03 (Toán, Văn, Sinh)
+ B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh)
+ C02 (Toán, Văn, Hóa)
+ C04 (Toán, Văn, Địa)
+ Toán, Sinh, Công nghệ
- Phương thức 4: Xét kết quả Kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) năm 2024, 2025 gồm 06 tổ hợp:
+ B00 (Toán, Hóa, Sinh)
+ B03 (Toán, Văn, Sinh)
+ B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh)
+ C02 (Toán, Văn, Hóa)
+ C03 (Toán, Văn, Sử)
+ D14 (Văn, Sử, Tiếng Anh)
7. Bằng cấp
Sinh viên sẽ được nhận bằng cử nhân ngành Bảo vệ thực vật do Trường Đại học Bạc Liêu cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
8. Thông tin liên hệ tư vấn
- TS. Nguyễn Thị Kim Xuân, Phó Trưởng Khoa phụ trách. ĐT: 0909.094.195
- TS. Mai Như Phương, Phó trưởng Bộ môn phụ trách. ĐT: 0982.402.876